Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

MỘT THOÁNG KHAU PHẠ VÀ NẬM KHẮT


Theo kế hoạch, VTCN trong tháng Năm sẽ có một chuyến đi khảo sát, giám sát và theo dõi chương trình hỗ trợ phản và chăn cho các trường Mầm non Mù Cang Chải. May thay cũng trong tháng Năm, nhóm Sống Hướng Thiện, nhóm cùng chung tay thực hiện kế hoạch này cũng sẽ lên tặng quà, chăn, phản cho Khau Phạ và Púng Luông. Vậy thì tại sao VTCN không kết hợp đi cùng cho đỡ lãng phí một chuyến xe nhỉ? Và thế là có ba thành viên quyết tâm đi là mình và hai bạn Vân trong nhóm.

Tối hôm trước chuyến đi, có một buổi offline cùng với em ĐTA. Mỗi thành viên của nhóm Tam tam này, ai cũng có một nhiệm vụ riêng rõ ràng. Mình đi Nậm Khắt tìm hiểu tình hình hỗ trợ phản cụ thể, cần tìm ra được con số chăn phản cụ thể cần hỗ trợ. Nếu có thời gian sẽ đi Dế Xu Phình kiểm tra về việc chăn phản đã được hỗ trợ nơi đây được sử dụng như thế nào. Trường Vân đến Mồ Dề tìm hiểu về việc trường xin cát cho việc xây bờ kè sân trường có hợp lý không, sau đó sẽ đến Khao Mang kiểm tra về chăn phản đã được hỗ trợ ở đây. Khánh Vân thì đến Nậm Có kiểm tra việc hỗ trợ 61 bộ phản và chăn tại các điểm trường này. TA rất cẩn thận đã liên lạc với nơi đến và cung cấp số điện thoại của họ cho nhóm Tam Tam.  Mỗi nơi đến, nhóm đều có chuẩn bị mấy bao bánh kẹo tặng các cháu. Có khá nhiều quần áo và đồ chơi nhưng không thể mang theo vì xe quá chật rồi.
 Hoa Thương và Voi còi đi tiễn đoàn. Lúc này đang ở nhà Phương Liên, thành viên của VTCN và SHT, một chủ nhà chu đáo và hiếu khách.

9 giờ tối 16/5 Hoa Thương và Voi Còi Bé Bỏng chở quà từ nhà ĐTA lên ngõ 41 Hồng Hà cho nhóm mang lên MCC và đi tiễn đoàn. 11 giờ đêm, sau khi xếp hết hàng lên xe tải, cả đoàn xuất phát, xuyên màn đêm tiến về Mù Cang Chải. 4.30 sáng 17/5 tới Tú Lệ, Khánh Vân xuống xe đầu tiên để đi Nậm Có. Cứ thấy thương thương “thân gái dặm trường” một mình giữa “thung lũng hoang vắng” lúc chưa tỏ mặt người.
 
Hình ảnh: Điểm danh nào cả nhà (*,!,*)
Đã trở về từ chuyến công tác từ thiện Khau Phạ và Púng Luông, Mù Cang Chải, Yên Bái một đêm một ngày!
...
Chuyến công tác 1 ngày, 1 đêm của 27 thành viên đại diện cho SHT, Báo điện tử Kiến Thức và các nhà hảo tâm đã kết thúc thành công tốt đẹp. 

Đoàn đã trao tặng 54 phản và 54 chăn cùng vỏ chăn cho điểm trường Khau Phạ (có 12 điểm trường) và 53 chăn cùng vỏ chăn và 53 phản cho trường MN Púng Luông (7 điểm trường).

Hơn 12h trưa đoàn mới trao tặng xong cho điểm cuối Púng Luông.

Đồng thời đoàn cũng thay mặt các nhà hảo tâm tặng 350 suất quà bao gồm dép và bánh, kẹo, sữa cho hai trường MN này!
Cả đoàn ăn trưa xong ở Tú Lệ là đã hơn 15h00.

Chuyến đi tương đối thuận lợi, đoàn đã về đến Hà Nội lúc hơn 20h20

Để thực hiện chuyến đi thành công như ý, SHT và BTC chương trình vô cùng biết ơn và ghi nhận tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm.

Mong rằng Qúy vị tiếp tục dõi theo, cổ vũ và ủng hộ cho các chương trình tiếp theo của chúng tôi
 Buổi sáng bình yên trên đèo Khau Phạ.
 
5 giờ sáng xe dừng ở trường Mầm non Khau Phạ, ngôi trường không biết bao lần đi ngang qua từng trông thấy nay mới được đặt chân. Trường đang sửa chữa, mọi thứ còn ngổn ngang. Một đống phản ở giữa sân, vài cái kê trong nhà. Đây là 30 chiếc phản được chuyển đến từ trước, còn 24 chiếc sẽ tiếp tục chuyển đến nay mai. Một số dân bản đến chuyên chở về các điểm lẻ. Đa phần các bác chuyển bằng xe máy, có người gùi sau lưng trông rất gọn gàng vững chãi. Trên đường bắt gặp một ai đó chở phản bạn có thể biết ngay đấy là phản theo chương trình hỗ trợ của VTCN đang âm thầm lặng lẽ tới các điểm lẻ của các trường Mầm non của Mù Cang Chải và bạn có thể yên tâm rằng rồi đây trong những ngày đông giá lạnh các bé MN MCC sẽ không bao giờ còn phải nằm trên nền đất với chiếc chiếu mỏng lạnh cóng. Những chiếc phản, chiếc chăn sẽ đưa các em vào giấc ngủ trưa ấm áp chứa đựng bao tình cảm mến thương của những trái tim nhân ái mong cho các em ấm êm khỏe mạnh.
 
Phản đã được đưa đến Khau phạ.
 

Phụ huynh chở phản về điểm lẻ, nơi con họ học tập.

Bạn có thể bắt gặp những hình ảnh này trên đường. 

Bác này gùi phản sau lung rất gọn gàng.
 

Trường Vân rất sáng suốt, ngay từ sáng sớm đã thuyết phục một bác đến chở phản đưa đi Ngã Ba Kim gặp Dũng để đi Khao Mang và Mồ Dề. Mình gọi cho cô Bình Yên, hiệu trưởng trường Mầm Non Nậm Khắt nói xuống Khau Phạ đón mình, cô bảo hơn 30km xa quá. Mình bảo để mình đi xe ôm. Cô bảo trên này không có xe ôm đâu và khuyên mình cứ đi xe ô theo đoàn rồi xuống Đội I sẽ có người đón vào Nậm Khắt. OK, mình cũng muốn trao đổi với các cô ở Khau Phạ, chứng kiến trao quà, chăn, phản cho KP và cũng muốn đến một điểm lẻ là Trống Tông hoặc Sề Sáng.

                                                  Các bé Khau Phạ nói tiếng Kinh rõ phết.

Nhóm Sống hướng thiện trao tặng quà, chăn, phản cho cô Lan hiệu trưởng trường MN Khau Phạ.
 
Sau khi phát quà ở KP xong, cả đoàn chia thành hai nhóm đi đến hai điểm lẻ. Nhưng khi đi bộ đến TrốngTông dưới cái nắng chang chang cứ như thế này thì 9 giờ cũng chưa tới nơi, lại còn phát quà, giao lưu với thầy trò nơi đây, rồi lại đi bộ ra và tiếp tục vượt đèo đến Đội I thì sẽ có nguy cơ không thực hiện được nhiệm vụ chính của mình. Lại quyết định nhờ một bác người Mông ở Trống Tông đưa đi đến Đội I cách Ngã Ba Kim chừng 3 cây số. Thế là có thêm một trải nghiệm vượt đèo Khau Phạ bằng xe ôm, gió vù vù bên tai, vi vu vi vu giữa đại ngàn, vèo vèo lên dốc lên dốc, ngoằn nghèo ngoằn nghèo những khúc gấp cua tay áo may mà không gập ghềnh khúc khuỷu như đi vào các bản.

Tới Đội I, gặp ngay một chàng trai người Mông ra đón. Lại đi tiếp xe máy vào Nậm Khắt. May con đường vào NK đã được đổ bê tông ngon lành. Nơi nào có đường là sẽ có trường có trạm. Quả thật tới ba điểm trường MN Sơn Ca xã Nậm Khắt và hai điểm lẻ Páo Khắt và Lả Khắt có đường bê tông vào tận nơi nên nhà nước cũng đầu tư xây dựng trường mới, cơ sở hạ tầng như vậy khá tốt cũng thấy mừng mừng mặc dù nơi đây còn thiếu rất nhiều như chăn, phản, đồ dùng học tập, đồ chơi... Riêng trường MN Sơn Ca có một chiếc Ti vi là đáng giá nhất. May ở MN Sơn Ca vẫn có học trò. Vội vàng phát chút bánh kẹo cho các bé. Hai bao còn lại nhờ các cô chia cho các điểm lẻ gọi là có tí quà tặng các cháu.

Chia bánh kẹo cho các cháu.
 
Chụp chung với các cháu MN Sơn ca.
 

Chỉ mới đến ba điểm của Nậm Khắt, khảo sát tình hình chăn phản thực tế nơi đây so với những yêu cầu của trường thì thấy các cô nơi đây thật khiêm tốn, không dám đòi hỏi nhiều. Phản ở cả ba nơi đều do phụ huynh đóng nên vô cùng đa dạng về kích cỡ và kiểu dáng. Chiếc thì có kích cỡ 60cm x 100cm, chiếc thì 45cm x 80cm, có chiếc chỉ 30cm x 80cm nghĩa là một số chiếc ghép 2 cái vào thì nằm được 3 cháu, còn nhiều cái nhỏ tới mức chỉ 1 cháu nằm thì cũng phải nằm im, không thể xoay người được, nếu không sẽ lăn ra đất mất. Vậy mà cô hiệu trưởng vẫn tính 1 phản cho 2 cháu nằm và yêu cầu hỗ trợ thêm số cần thiết. Có đến tận nơi mới hiểu vì sao điểm Láng Sang với 36 học sinh đã có 6 chiếc phản mà mà vẫn yêu cầu đến 5 chiếc nữa bởi cũng giống như Lả Khắt phản phụ huynh đóng cho con cái họ nên chỉ đóng cho 1 em thôi. Thực ra cái-gọi--phản do phụ huynh đóng không phải là phản, chỉ là những thanh gỗ hay tre ghép vào mà ta hay gọi là giát giường, nằm rất đau người. Nếu có thể, VTCN nên nghiên cứu xem xét lại cung cấp cho Nậm Khắt hoàn toàn phản mới thay thế cho những thứ mà phụ huynh đóng đã cũ và không đáng để nằm. Trường có thể dùng chúng vào việc khác như đóng giá đựng đồ chẳng hạn cũng tốt và cũng cần cho các cô và các cháu.

                            Phản ở trường Mầm non Sơn ca đây, là giát giường thì đúng hơn.

                               Mấy cái-gọi-là-phản chỉ có thể dùng làm giá đựng đồ linh tinh.


                                                 Phản ở Páo Khắt đa hình dạng và kích cỡ.    



                                              Một cháu bé nằm chắc không được cựa quạy.

 
Phản ở Lả Khắt trông còn khả dĩ, mỗi tội nhỏ chỉ một cháu nằm vừa
 

Riêng về chăn thì một số điểm có một số chiếc cũng là của phụ huynh mang đến cho con em họ, mùa nóng lại đem về giặt để mùa đông sẽ mang đến. Chính vì vậy, VTCN cũng nên cung cấp toàn bộ chăn cho các điểm trường của Nậm Khắt là hợp lý.

Gần 12 giờ trưa, gọi điện cho đoàn thì cả đoàn mới đến đỉnh đèo chuẩn bị đến Púng Luông. Mình quyết định đi đến điểm Xua Lông mà không đi đến Xế Dù Phình vì dù sao nơi ấy cũng được cung cấp đầy đủ phản và chăn rồi. Quả thật Xua Lông heo hút dù chỉ cách đường liên xã 3 cây số nhưng đường đi phải qua mấy suối mấy đèo mới tới nơi, nó nằm hoang vu như tách biệt khỏi thế giới văn minh. Xua Lông còn chưa có lớp MN, vẫn phải học nhờ lớp Tiểu học. Mấy gian nhà nằm chênh vênh trên triền núi lẻ loi cô độc. Đang giữa trưa không có một ai ngoài một cô giáo người Mông mang bầu. Cứ nghĩ những lúc phải họp hành ở cơ sở chính cô một thân một mình vượt qua chặng đường mình vừa đi qua mà thấy ái ngại cho cô quá. Ngay cô Hường phụ trách công đoàn trường đưa mình đi qua chiếc cầu bắc qua suối cũng không dám đi xe phải xuống xe dắt qua. Nhìn qua lớp học Mẫu giáo dành cho 32 em mà thấy xót xa. Một phòng bé xíu chừng hơn chục mét vuông không có gì ngoài mấy bức tranh dán trên tường, không chăn,  không phản, không đồ chơi. Nếu cung cấp đủ số phản 6 chiếc cho 32 em thì chắc chắn không có chỗ kê hết phản. Điều này chắc cũng cần trao đổi với cô hiệu trưởng để có quyết định đúng đắn.

 
                                           Đường Vào Xua Lông gập ghềnh khúc khuỷu.

                                      Lớp học Mẫu giáo ở Xua Lông còn đang phải học nhờ .

Cô giáo người Mông mời vào phòng ở của cô. Bất ngờ đến sững sờ, một căn phòng chừng 7-8 m2 được ngăn đôi bằng một tấm vách dán báo ảnh là hai phòng “hạnh phúc” giành cho vợ chồng cô bên ngoài và vợ chồng một thầy giáo cấp I bên trong. Mình thấy ái ngại đến mức không cả dám dũng cảm đưa máy ảnh lên để chụp ảnh phòng của họ, làm thế tự dưng cảm thấy như xúc phạm họ. Mỗi phòng kê được một cái giường và một cái bàn nhỏ. Chẳng biết nấu nướng ở đâu, ăn uống ở đâu. Sẽ vô cùng bất tiện nếu buổi đêm hai vợ chồng thầy giáo bên trong có việc cần ra ngoài. Thế mà họ vẫn sống, thản nhiên, bình dị và vẫn miệt mài gieo con chữ cho con em người dân tộc ở một nơi chắc chỉ khá hơn nơi ở của Rô- bin-sơ Cơ- rút- sô thôi. Thật đáng khâm phục!

Xua Lông cách biệt cả sóng điện thoại. Mãi sau này trên đường đi ra Đội I mới bắt được sóng của đoàn cũng như của Trường Vân, và của cả TA nữa. Em bảo chị ra nhanh lên không mọi người chờ. Hóa ra cả đoàn đến Púng Luông cũng rất khẩn trương chỉ kịp trao quà, phản, chăn xong là quay về Tú Lệ luôn. May quá, ra đến Đội I vẫn thấy Trường Vân đang chờ trên xe tải, còn cả đoàn đã đi trước rồi, chẳng ai biết Đội I là chỗ nào để chờ. Hi hi, xuýt nữa lại xe ôm ngược về Tú Lệ. Thật sự cảm động và biết ơn khi Trường Vân bảo em, Khánh Vân và TA liên lạc với mình suốt mà không được đã bắt đầu lo lắng và bàn đến phương án nếu mình không ra kịp hoặc có sự cố gì thì cứ để đoàn về trước còn Trường Vân và Khánh Vân sẽ ở lại chờ mình cùng về Hà Nội sau. Thế mới biết tình đồng đội qua những giây phút khó khăn thử thách mới đáng quý biết bao!

Cả đoàn về an toàn, riêng Trường Vân đến 12 giờ mới về đến Hà Nội. Mình cứ định chờ hai bạn Vân gửi thông tin để viết báo cáo nhóm nhưng vẫn chưa nhận được. Vậy thì hai bạn Vân ơi, hãy viết lại chuyến đi của mình cho cả nhóm biết với nhé.

3 nhận xét:

  1. Cũng bình thường thôi mà bạn Mai Nguyen Hoa. Mỗi lần đi lên miền núi về lại chỉ muốn được đi tiếp giúp chút chút cho các bé thấy thanh thản vui hơn Hoa ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Hi hi,cứ tưởng Mai Nguyên Hoa là ai. Hóa ra em. Em có viết bài trên Blog à. Cho chị đường link để thỉnh thoảng đọc cho vui.

    Trả lờiXóa